Người mắc sốt xuất huyết tiếp tục ồ ạt nhập viện ở TP.HCM

0
290
– Từ tháng 8 đến tháng 10-2018, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận hơn 11.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 2 người lớn và 2 trẻ em do bệnh quá nặng, gia đình xin về lo hậu sự.

Ngày 14-11, thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2018, BV tiếp nhận hơn 11.000 ca bệnh sốt xuất huyết

(SXH) đến khám và điều trị. Trong đó có gần 4.000 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt, đã có 4 trường mắc SXH quá nặng gồm 2 người lớn và 2 trẻ em, gia đình xin về lo hậu sự.

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D cảnh báo, số lượng bệnh nhân bị SXH nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm D của BV này điều trị cho 80 ca bệnh nhập viện do SXH. Tương tự, tại Khoa Nhi A của BV này cũng đang điều trị cho 40 trẻ mắc SXH.

Còn số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho hay, từ đầu năm 2018 đến ngày 10-11 có hơn 19.000 trường hợp nhập viện điều trị SXH. Đặc biệt, trong tháng 10, có những thời điểm mỗi tuần có tới hơn 1.100 bệnh nhân nhập viện do SXH.

Nguoi mac sot xuat huyet tiep tuc o at nhap vien o TP.HCM

Một bệnh nhi bị tay chân miệng nặng đã qua cơn nguy kịch tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL

Cùng với SXH, bệnh sởi cũng gia tăng mạnh trên địa bàn TP.HCM. Số liệu từ đầu năm 2018 đến nay, toàn TP ghi nhận 485 ca mắc sởi và hầu hết 24/24 quận/huyện tại TP đều có người mắc sởi. Trung bình tháng 10 và đầu tháng 11, mỗi tuần, có 65 ca mắc mới. Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã phát động chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi –rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi sinh sống trên địa bàn. Ước tính sẽ có 300.000 liều vắc-xin được tiêm trong tháng 11 và 12.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm kể trên, tình hình bệnh tay chân miệng

(TCM) cũng đáng lưu tâm. Chiều 14-11, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết dù từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc TCM có chững lại nhưng số ca mắc nặng có xu hướng tăng. Đơn vị này vừa cứu sống 2 bệnh nhi mắc bệnh TCM độ 4 có biến chứng thần kinh, hô hấp nguy hiểm.

Do đó, BS Quang cảnh báo: “Thông thường khi bệnh có dấu hiệu giảm thì cả phụ huynh lẫn ngành y tế sẽ chủ quan, phát hiện bệnh trễ dễ gây ra các trường hợp trẻ bị nặng, thậm chí tử vong”.

Trước tình hình các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, các bác sĩ cảnh báo, tháng 11 là thời điểm các dịch bệnh SXH, TCM rơi vào đỉnh dịch, vì thế người dân cần cảnh giác cao độ. Đặc biệt, diễn tiến bệnh sẽ khó lường và nguy hiểm hơn đối với những đối tượng người lớn bị thừa cân, béo phì, tiểu đường, huyết áp, phụ nữ đang mang thai, trẻ em bép phì.

HOÀNG LAN

VietBao.vn

Nguồn: vietbao.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.