- Thực phẩm online tạo ra đầu nậu gom hàng trôi nổi?
- Mua thực phẩm trên mạng: Khi người bán phủi tay…
Làm sao để cửa hàng làm đúng cam kết?
Ngày càng nhiều cửa hàng buôn bán thực phẩm sạch ra đời trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang là lỗi ám ảnh của nhiều người, nhưng không phải cửa hàng nào cũng thực sự bán đồ “sạch” vì không thể kiểm định được bằng mắt thường.
Chị Nguyễn Hồng Thắm (33 tuổi, ngụ phường Tân Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho rằng, mỗi cửa hàng cần có phiếu lấy ý kiến khách hàng, những lá phiếu này sẽ được xếp theo thang bậc điểm và niêm yết công khai tại nơi bán để khách hàng tiện theo dõi.
Ngoài ra, theo chị Thắm việc giám sát của cơ quan chức năng cũng là yếu tố cốt yếu để các cửa hàng thực hiện đúng cam kết.
“Gần đây thấy Hà Nội công khai nhiều chung cư vi phạm PCCC hay các doanh nghiệp nợ tiền thuế. Đây là tín hiệu tốt để người dân có thể nắm bắt được thông tin trước khi quyết định mua nhà. Việc quản lý thực phẩm cũng nên như thế, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cũng cần bêu tên những cửa hàng thực phẩm vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm và công khai định kỳ để người tiêu dùng biết rõ” – chị Thắm đề xuất.
![]() |
Lực lượng chức năng trong một lần kiểm tra vệ sinh ATTP năm 2018. |
Chị Phạm Thị Hoàn (40 tuổi, ngụ Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) góp ý để các cửa hàng thực phẩm sạch nâng cao ý thức ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì cũng nên khuyến khích tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thi về thực phẩm sạch để mọi người cùng tham gia.
“Người tiêu dùng và cả chủ cửa hàng buôn bán, nơi cung ứng thực phẩm có thể đưa ra được các kinh nghiệm lựa chọn, bảo quản thực phẩm sạch. Chỉ cần giải thưởng hấp dẫn, thông tin bổ ích chắc chắn sẽ có nhiều người tham dự” – chị Hoàn bày tỏ.
Hơn nữa, các cửa hàng cũng cần minh bạch và công khai nơi cung ứng thực phẩm để người tiêu dùng nắm rõ.
Chị Hoàn cho biết: “Tôi thấy ở nước ngoài, họ thực hiện theo chuỗi đồng nhất giữa nơi cung ứng, cửa hàng phân phối và cơ quan quản lý. Người tiêu dùng chỉ cần soi vào danh sách những nơi cung ứng thực phẩm sạch đạt tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng cung cấp, kiểm tra danh sách nhà phân phối sản phẩm mà nơi cung ứng đưa ra và cuối cùng kiểm tra xem cửa hàng phân phối thực phẩm có trùng với hai nơi vừa nói công bố hay không thì sẽ biết ngay chất lượng sản phẩm”.
Phạt nặng nếu phát hiện vi phạm
Theo nhiều người tiêu dùng, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay chủ yếu là do chế tài xử phạt chưa nghiêm, số tiền phạt vẫn còn quá nhỏ so với lợi nhuận “mua gian, bán lận” đem lại khiến cho nhiều người đặt mục tiêu lợi ích cá nhân lên hàng đầu mà gây hiểm họa cho nhiều gia đình.
Chính vì thế, cơ quan chức năng cần phải đưa ra chế tài quản lý chặt chẽ, xử phạt thật nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm.
“Cần bổ sung án hình sự đối với những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm vi phạm cam kết ngay kể cả khi chưa chứng minh được thiệt hại. Việc cố tình đưa thực phẩm bẩn, không đủ chất lượng ra ngoài thị trường không khác gì hành vi đầu độc người dân” – chị Hoàn bày tỏ.
Để quản lý tốt được điều này, chị Hoàn cho hay, cần phải có một chuỗi quản lý chuyên nghiệp, thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người tiêu dùng.
Anh Phạm Văn Trình (người dân sống tại TP. HCM) bổ sung thêm, đối với những cửa hàng buôn bán thực phẩm trên mạng, cơ quan chức năng cần phải yêu cầu cửa hàng đăng ký, cam kết chất lượng và công khai nguồn hàng.
Tuy nhiên, anh Trình cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. “Mọi người cần nhận thức việc cung cấp, buôn bán thực phẩm bẩn là một tội ác, ngay cả người quản lý lĩnh vực này làm không nghiêm cũng là hành vi tội lỗi. Để làm được việc này không dễ mà cần phải được giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ trong thời gian dài” – anh Trình bày tỏ.
Vân Mai
Nguồn: vietbao.vn